Tích lũy điểm khách hàng từ lâu đã trở thành công cụ hữu hiệu giúp chủ doanh nghiệp tạo mối gắn kết với khách hàng thông qua nhiều chương trình chăm sóc và ưu đãi đặc biệt. Tùy theo đặc thù ngành nghề, việc tích lũy điểm được vận dụng linh hoạt. Bài viết này Tem nữ trang Goldtags xin giới thiệu các cách tích lũy điểm cho ngành vàng bạc.
- Tích điểm theo số món hàng
Một cách khác trực quan, hiệu quả mà đơn giản là tích theo số món hàng khách đã mua. Cách này cực kì đơn giản, dễ hiểu cho khách hàng lẫn cả nhân viên bán hàng của tiệm và phù hợp với tiệm có qui mô trung bình, nhỏ và các mặt hàng tương đối đồng đều, không quá chênh lệch.
Điểm hạn chế là không phản ánh được giá trị khác nhau theo từng loại vàng hay mặt hàng, ví dụ cụ thể là cùng 1 món hàng nhưng kiềng 24K sẽ có giá trị lớn hơn đôi bông em bé 18K chỉ có vài phân!
Khắc phục điều này bằng cách đánh số điểm khác nhau theo từng loại vàng, mặt hàng.
Ví dụ:
- Món hàng 9999 có điểm tích lũy là 20 điểm
- Món hàng 750 có điểm tích lũy là 17
- Món hàng 610 có điểm tích lũy là 12
- Nữ trang bạc có điểm tích lũy là 3…
- Tích điểm theo tiền công
Với tiệm có qui mô trung bình và tỉ trọng mặt hàng tính tiền công (xác định giá bán bằng cách lấy trọng lượng vàng x giá vàng + tiền công) lớn so với mặt hàng tính theo món có thể cân nhắc tích điểm theo tiền công. Ví dụ cứ mỗi 300.000đ tiền công sẽ được tích điểm, món hàng nào có tiền công dưới 300.000đ sẽ không được tính.
Áp dụng theo cách này, tiệm sẽ đẩy mạnh các mặt hàng có thiết kế tinh xảo, độc, lạ (tiền công cao) theo chiến lược kinh doanh thay vì bày bán các mặt hàng giá rẻ tràn lan nhằm tạo sự khác biệt.
- Tích lũy điểm theo hóa đơn
Đây là cách phổ biến nhất vì dựa trên hóa đơn mua hàng – minh chứng rõ ràng nhất cho mối lương duyên giữa tiệm và khách! Khách mua càng nhiều, trả tiền càng nhiều dĩ nhiên sẽ được tích điểm càng nhiều! Có thể áp dụng tích điểm trên mỗi 1 triệu đồng từ hóa đơn, hóa đơn trị giá dưới 1 triệu sẽ không được tích điểm… Dĩ nhiên, mức tích điểm sẽ khác nhau theo từng mặt hàng.
Ví dụ:
- Mặt hàng 24K: cứ 5.000.000đ sẽ được qui đổi thành 1 điểm
- Mặt hàng 18K: cứ 2.500.000đ sẽ được qui đổi thành 1 điểm
- Mặt hàng kim cương: cứ 10.000.000đ sẽ được qui đổi thành 1 điểm
Cách tích điểm này phù hợp cho tiệm có nhiều mặt hàng đa dạng, độ chênh lệch về giá trị các món hàng lớn.


- Tích điểm theo cân nặng
Theo thói quen, chủ tiệm vàng thường lấy vàng làm tiêu chuẩn để qui đổi tải sản: mua nhà cũng qui ra vàng, sắm xe cũng qui ra vàng, đến cả… nợ tiền ai cũng qui ra vàng nên tích điểm cho khách hàng căn cứ vào cân nặng món hàng khách hàng đã mua xem ra một cách rất dễ hiểu! Tiệm chuyên bán mặt hàng 24K xem ra rất phù hợp với cách tính này, nhất là các mặt hàng bán chạy vào ngày Thần Tài như nhẫn trơn, sản phẩm ép vỉ…
Ví dụ về tích điểm theo cân nặng:
- 1 chỉ vàng 24K được tính là 10 điểm
- 1 chỉ vàng 18K được tính 5 điểm

Nếu như cách tích điểm theo hóa đơn sẽ bị ảnh hưởng bởi yếu tố giá vàng, cách tích điểm theo cân nặng sẽ phản ánh tính trung thực về lượng hàng khách hàng đã mua trong năm qua.
- Tích điểm kết hợp:
Nếu tiệm có qui mô lớn, mặt hàng đa dạng có giá trị từ vài trăm ngàn đến vài trăm triệu (hoặc hơn nữa)… thì có thể áp dụng kết hợp nhiều cách tích điểm: theo cân nặng, theo tiền công hay theo hóa đơn bán hàng…, áp dụng theo từng mặt hàng.


Thông thường, điểm tích lũy được tính là phần số nguyên, bỏ phần dư và không làm tròn.
Trên đây là các cách tích lũy điểm khách hàng theo quan sát và tổng hợp từ Phần Mềm Vàng. Một vấn đề quan trọng khác là quyết định số điểm tích lũy (3 điểm, 5 điểm hay 10, 15, 20 điểm…), phân loại (có 3 hay 4 nhóm khách hàng: Silver, Gold, Diamond...) và hạn mức khách hàng (ví dụ khách hàng Gold phải có trên 50 điểm, khách Diamond phải từ 100 điểm…). Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào thực tế kinh doanh tại đơn vị hay địa phương mà chủ doanh nghiệp cần cân nhắc cho phù hợp.