Giá trị đồng USD trong phiên 11/7 tăng mạnh nhất 2 năm so với yên khi giới đầu tư cho rằng Nhật Bản sẽ tung ra các biện pháp kích thích mới trong những tháng tới.
Chốt phiên, USD tăng 2,2% so với yên lên 102,81 JPY/USD, ghi nhận phiên tăng lớn nhất kể từ tháng 10/2014. Bảng Anh cũng tăng 2,6% so với yên lên 133,57 JPY/GBP.
Chỉ số Đôla ICE, theo dõi sức mạnh của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt, tăng 0,2% lên 96,542 điểm. Trong phiên, có lúc chỉ số này lên cao nhất 4 tháng ở 96,793 điểm khi số liệu việc làm phi nông nghiệp của Mỹ, công bố hôm 8/7, tốt hơn dự đoán.
Giới đầu tư cũng đang tìm kiếm thêm mạnh mối về lộ trình nâng lãi suất của Fed. Nhiều quan chức Fed sẽ có bài phát biểu trong tuần này và tâm lý lạc quan hơn có thể khiến giới đầu tư đánh giá lại đồn đoán về khả năng Fed nâng lãi suất.
Giá vàng phiên 11/7 giảm khi chứng khoán tăng điểm sau số liệu việc làm của Mỹ tốt hơn dự đoán và triển vọng kích thích tiền tệ, USD tăng.
Lúc 14h31 giờ New York (1h31 sáng ngày 12/7 giờ Việt Nam) giá vàng giao ngay giảm 0,8% xuống 1.355,5 USD/ounce. Tuần trước, giá chạm mức cao nhất kể từ tháng 3/2014 ở 1.374,91 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8/2016 trên sàn Comex giảm 0,1% xuống 1.356,6 USD/ounce.
Giá dầu phiên 11/7 lập đáy mới trong 2 tháng qua khi giới đầu tư lại tỏ ra lo ngại về tình trạng thừa cung. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 8/2015 trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 65 cent, tương ứng 1,4%, xuống 44,76 USD/thùng, thấp nhất kể từ 10/5.
Giá dầu Brent giao tháng 9/2016 trên sàn ICE Futures Europe giảm 51 cent, tương đương 1,1%, xuống 46,25 USD/thùng, thấp nhất kể tử 10/5.
Đà giảm mạnh tuần trước của giá dầu cho thấy thị trường vẫn lo ngại về tình trạng thừa cung và đà tăng lớn nhất kể từ khủng hoảng tài chính “mong manh” đến mức nào, theo các nhà phân tích. Giá dầu đã mất hơn 7%, ghi nhận tuần giảm thứ 3 trong 4 tuần qua và xuống thấp nhất 2 tháng, chủ yếu do nguồn cung tăng mạnh.
Tổng hợp theo Nhịp Cầu Đầu Tư